Gia đình bạn đang sở hữu một chiếc bếp từ nhưng lại không hiểu rõ những ký hiệu trên thiết bị có ý nghĩa gì và sử dụng ra sao? Hãy cùng fomiler tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Bếp từ là gì?
Bếp từ là loại bếp điện, sử dụng dòng điện để làm nóng trực tiếp nồi nấu thông qua cảm ứng từ. Thay vì sử dụng dẫn nhiệt (một phần tử khí hoặc điện truyền nhiệt từ đầu đốt sang nồi hoặc chảo), cảm ứng từ làm nóng nồi nấu gần như ngay lập tức để làm chín thức ăn.
Bếp từ đã dần trở thành một trong những thiết bị nhà bếp thông minh phổ biến được nhiều gia đình tin chọn sử dụng hiện nay. Sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật về tính năng, kiểu dáng và an toàn khi sử dụng. Hỗ trợ quá trình nấu ăn nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian.
Trên các model bếp từ người dùng sẽ thường gặp các ký hiệu được in trên bảng điều khiển của bếp, đây là ký hiệu thể hiện các chức năng nấu của bếp.
Lưu ý:
Một số ký hiệu có thể không giống nhau ở từng loại bếp từ do các hãng sản xuất, thương hiệu bếp khác nhau quy định.
2. Các ký hiệu thường gặp trên bếp từ và cách sử dụng
2.1. Ký hiệu nút nguồn
Thường là biểu tượng hình tròn với 1 gạch dọc bên trong
Ý nghĩa: Nút bật/tắt để khởi động nấu ăn và kết thúc quá trình nấu. Hầu hết các dòng bếp từ hiện nay đều sử dụng ký hiệu này.
Cách sử dụng: Bạn chỉ cần nhấn vào ký hiệu nút nguồn trên bếp từ để mở hoặc tắt bếp. Sau đó, chọn các chức năng/chế độ nấu phù hợp.
2.2. Ký hiệu khoá an toàn – Lock
Thường là biểu tượng ổ khoá hoặc chiếc chìa khoá
Ý nghĩa: Tính năng khoá an toàn, đảm bảo an toàn trong quá trình nấu ăn. Khi khởi động chức năng khoá an toàn, toàn bộ hệ thống phím điều khiển trên bếp sẽ bị khoá, không thể sử dụng.
Cách sử dụng: Nhấn giữ vào biểu tượng khoá khoảng 3-5 giây (tuỳ vào từng model của hãng sản xuất bếp) để khởi động chức năng. Để tắt chức năng, nhấn giữ vào biểu tượng khoá một lần nữa. Sau khi tắt chức năng, toàn bộ chương trình nấu trước đó của bạn vẫn được giữ nguyên.
2.3. Ký hiệu hẹn giờ – Time
Thường là biểu tượng hình đồng hồ
Ý nghĩa: Tính năng hẹn giờ cho phép bạn cài đặt thời gian nấu các món ăn theo mong muốn, thích hợp khi nấu các món kho, hầm,.. Tuỳ vào từng model bếp từ khác nhau, thời gian cài đặt hẹn giờ sẽ khác nhau khoảng từ 99 phút đến 4 tiếng.
Cách sử dụng: Nhấn vào biểu tượng hẹn giờ, chọn thời gian cài đặt mong muốn. Sau khi kết thúc thời gian hẹn, bếp sẽ tạm dừng.
2.4. Ký hiệu nấu nhanh – Booster
Thường là biểu tượng chữ B
Ý nghĩa: Chức năng này thường xuất hiện ở những dòng bếp từ cao cấp. Giúp gia tăng nhiệt độ nấu nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và điện năng hiệu quả.
Cách sử dụng: Nhấn chọn chức năng nấu nhanh, bếp sẽ đun nấu ở mức công suất cao nhất. Để tắt chức năng Booster, nhấn vào ký hiệu B một lần nữa. Lưu ý, chỉ nên đun nấu ở mức nhiệt cao từ 1-10 phút để đảm bảo tuổi thọ của bếp. Một số model bếp từ có cài đặt thời gian tối đa khi đun nấu ở chức năng này.
2.5. Ký hiệu giảm công suất hoặc giảm thời gian hẹn giờ
Thường là biểu tượng dấu “–“
Ý nghĩa: Chức năng này cho phép bạn giảm mức nhiệt hoặc thời gian cài đặt hẹn giờ mong muốn.
Cách sử dụng: Nhấn vào biểu tượng “-“ trên bảng điều khiển của bếp.
2.6. Ký hiệu tăng công suất hoặc tăng thời gian hẹn giờ
Thường là biểu tượng dấu “+”
Ý nghĩa: Chức năng này cho phép bạn tăng mức nhiệt hoặc thời gian cài đặt hẹn giờ mong muốn.
Cách sử dụng: Nhấn vào biểu tượng “+” trên bảng điều khiển của bếp.
2.7. Ký hiệu mũi tên xuống
Biểu tượng mũi tên xuống
Ý nghĩa: Tương tự như ký hiệu “-“ bạn có thể giảm nhiệt độ hoặc thời gian hẹn giờ.
2.8. Ký hiệu mũi tên lên
Biểu tượng mũi tên lên
Ý nghĩa: Tương tự như ký hiệu “+” bạn có thể tăng nhiệt độ hoặc thời gian hẹn giờ.
2.9. Ký hiệu nấu lẩu hoặc nấu nước – Hot Pot
Thường là biểu tượng hình nồi lẩu
Ý nghĩa: Chức năng này cho phép bạn nấu lẩu hoặc đun nước ở mức nhiệt phù hợp mà nhà sản xuất đã cài đặt sẵn. Với một số dòng bếp từ, sau khi mở nút nguồn, người dùng cần chọn chức năng nấu lẩu để chọn các chế độ nấu khác.
Cách sử dụng: Nhấn vào biểu tượng nấu lẩu để sử dụng chức năng.
2.10. Ký hiệu chiên rán – Fry
Thường là biểu tượng hình cái chảo
Ý nghĩa: Chức năng cho phép bạn chế biến các món chiên, rán ở mức nhiệt thích hợp đã được cài đặt sẵn.
Cách sử dụng: Nhấn vào biểu tượng chiên rán để sử dụng chức năng. Ngoài ra, bạn vẫn có thể tuỳ chỉnh mức nhiệt theo mong muốn trên bảng điều khiển bếp.
2.11. Ký hiệu ủ ấm, rã đông – Warming
Thường là biểu tượng hình nhiệt kế
Ý nghĩa: Chức năng cho phép bạn đun nấu các món ở chế độ duy trì nhiệt độ ở mức độ thấp bằng công suất thấp. Giữ ấm thực phẩm sau khi nấu ăn hiệu quả.
Cách sử dụng: Nhấn vào biểu tượng ủ ấm để sử dụng chức năng. Để tắt chức năng này, nhấn vào biểu tượng ủ ấm thêm lần nữa.
2.12. Ký hiệu tạm dừng – Pause
Thường là biểu tượng nút tam giác và 2 gạch dọc
Ý nghĩa: Chức năng tạm dừng, cho phép tạm dừng khi đang nấu ăn.
Cách sử dụng: Nhấn vào biểu tạm dừng, để tạm dừng nấu. Sau đó, để tắt chức năng này, thực hiện chạm vào biểu tượng tạm dừng lại một lần nữa để nấu ăn trở lại.
2.13. Ký hiệu gạch dọc trên bảng điều khiển
Ý nghĩa: Hầu hết các dòng bếp từ đều sử dụng bảng điều khiển cảm ứng thanh trượt, giúp bạn dễ dàng điều chỉnh mức nhiệt mong muốn.
Cách sử dụng: Chạm và kéo trượt từ trái sang phải để tăng công suất nấu hoặc từ phải sang trái để giảm công suất.
2.14. Ký hiệu số 1,2,3…. 8,9 trên bảng điều khiển
Ý nghĩa: Bạn có thể điều chỉnh mức công suất theo các số hiển thị trên bảng điều khiển. Số càng nhỏ công suất càng thấp và ngược lại, số càng lớn công suất càng lớn.
Cách sử dụng: Nhấn vào số mà bạn muốn điều chỉnh mức nhiệt.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng bếp từ sẽ có một số ký hiệu cảnh báo an toàn khác như:
- Ký hiệu chữ H nhấp nháy: Cảnh báo dư nhiệt
- Ký hiệu E, F, E8,…: Báo bếp đang bị lỗi
Hy vọng với những chia sẻ về các ký hiệu trên bếp từ và cách sử dụng qua bài viết, đã giúp bạn dễ dàng làm quen và điều khiển các chức năng của bếp từ tiện lợi nhất để nấu được thật nhiều món ngon cho gia đình nhé!
Xem thêm: Nên mua bếp từ 2 vùng nấu hay 3 vùng nấu cho gia đình